Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, Hậu tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ
NHẠC SƯ NGUYỄN QUANG ĐẠI
(THẦY BA ĐỢI)
Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (còn có tên Ba Đợi theo cách gọi của người Nam Bộ) quê ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Ông sinh năm Mậu Ngọ 1855, năm mất chưa rõ.
Về quê quán của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, theo nghiên cứu của Hà Thắng (Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên – Huế) có chỉ dẫn: “Từ vùng sơn cước Quốc Oai, trấn Tây Sơn, hai anh em ông Nguyễn Nhữ Hậu, Nguyễn Nhữ Long theo dòng người Nam tiến vào dừng lại tại đất Minh Linh, cùng thân hữu lập nên làng Nguyễn Xá. Nửa đầu thế kỷ XVI (khoảng 1510 – 1520) ông Nguyễn Nhữ Biên con trai ông Hậu rời làng Nguyễn Xá vào định cư tại đất Kim Luông (tức Kim Long – chú thích tác giả), xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Nguyễn Quang Đại thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ ở Hải Quế, sinh năm Mậu Ngọ (1885- ?). Thuở nhỏ Nguyễn Quang Đại cùng đi học với người em họ là Nguyễn Minh Thông. Song có lẽ con đường học hành của ông không mấy thành đạt. Còn Nguyễn Minh Thông sau đó đỗ đạt và làm việc tại nội triều Nguyễn dưới thời vua Hàm Nghi và có vợ là tôn thất triều Nguyễn, bà Tôn Thất Thị Cúc. Con đường Nguyễn Quang Đại đến với quan nhạc triều Nguyễn không thấy nói đến, phải chăng ông được Nguyễn Minh Thông tiến cử hoặc giả ông đã là quan nhạc dưới triều Tự Đức – Kiến Phúc – Hiệp Hòa do chính năng lực âm nhạc của mình”1 (Hi vọng với chỉ dẫn này, khi bài viết công bố, sớm tìm ra được hậu duệ của nhạc sư Nguyễn Quang Đại ở Kim Long).
Là một nhạc quan trong triều đình nhà Nguyễn, ông Nguyễn Quang Đại hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Sau biến cố kinh đô Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, ông mang tấm lòng yêu nước tìm đường vào Nam sinh sống bằng con đường truyền dạy âm nhạc.
Trong một bài khảo cứu, nhà văn Sơn Nam cho biết bối cảnh khi ông vào Nam như sau: Khi phong trào Cần Vương tan rã, ông vào sinh sống ở Sài Gòn – Chợ Lớn, vùng Long An và các tỉnh miền Đông. Bấy giờ ở Nam Bộ, các cuộc khởi nghĩa sau cùng có tầm cỡ là phong trào Thủ Khoa Huân đã bị đàn áp, Pháp xử tử cụ Thủ Khoa Huân và trừng phạt hương chức hội tề các làng xã ở Mỹ Tho, ở vùng Tân An. Năm 1885 xảy ra cuộc khởi nghĩa ở 18 thôn vườn trầu ở Hóc Môn. Ông Phan Công Hớn là nghĩa quân giết được tên đốc phủ Ca đang tích cực phục vụ chính quyền thực dân cũng bị đưa ra tòa án Đại hình xử tử. Phong trào Cần Vương đáng kể nhất ở Nam Bộ bấy giờ là Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Thất Sơn (Bảy Núi, tỉnh Long An) cũng tan rã khi vua Hàm Nghi bị bắt… Từ 1885 trở về sau, thực dân Pháp thắng thế về mọi mặt, Nam Bộ là xứ thuộc địa tách khỏi triều đình Huế. Cảng Sài Gòn đã mở cửa hơn 20 năm, sôi động. Chợ Bến Thành, dinh Toàn quyền, dinh Thượng thơ, Tòa án, nhà máy điện… xây dựng xong, đưa vào hoạt động. Lúa gạo bán có giá hơn, lại tha hồ mua sắm vải bô, tơ lụa, thêm dầu hỏa để đốt đèn… Cờ bạc, nhà chứa gái mọc lên, được nhà cầm quyền Pháp cấp phép, kiểm tra sơ sài… Ông Nguyễn Quang Đại mang tấm lòng yêu nước vào Nam, trong bối cảnh nói trên làm sao hoạt động chính trị. Nhưng đồng bào ta bám vào chùa miếu để giữ văn hóa của cha ông. Năm 1885, người lớn tuổi ra đường vẫn mặc khăn đen, áo dài, đám cưới, đám tang tổ chức như xưa. Mãi đến 20 năm sau, ở Chợ Lớn bạn hàng bán cá vẫn mặc áo dài, luôn cả mấy cô bán trà Huế. Thầy giáo, một số công chức làm việc cho Pháp vẫn giữ áo dài đen nhưng đi giày da… Phương tiện giải trí duy nhất của dân gian và luôn của người thành thị là nói thơ Vân Tiên, hò hát khi gặt hái, chèo ghe. Và ai nấy còn say mê tuồng hát bội. Dịp cúng đình, đám tang, đám cưới vẫn có ban nhạc gây không khí. Nhạc mới Tây phương còn ít ỏi, các ban nhạc, đoàn kịch rước từ Pháp qua, dành cho giới quan lại Pháp; đàn dương cầm hiếm hoi cũng dành cho con cái quan lại Pháp… Pháp thắng thế, người Việt Nam tuy cách xa triều đình Huế vẫn hoài vọng sự thống nhất với triều đình. Thực dân muốn cho người ở thuộc địa Nam Kỳ mất gốc nhưng thực tế đã trả lời. Ngay giới điền chủ, công chức có Tây học sau này vẫn bảo tồn và phát huy cổ nhạc qua nhạc tài tử, qua tuồng cải lương, và phong trào cổ nhạc vẫn mãi mãi gây tiếng vang…
Ông Nguyễn Quang Đại vào Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng trong bối cảnh nước mất nhà tan đã nói trên. Tại vùng đất mới với nỗi lòng tha hương nhưng không xa tổ, ông đã mượn âm nhạc để sầu, để thương, để nhớ, để ngập ngừng buồn vui trên quê hương mới. Ông là người có công đầu khai sáng ra bộ môn đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc lễ Nam Bộ mang đậm nét đặc thù bản sắc dân tộc Việt Nam.
Ở nhiều địa phương, đặc biệt ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân An… đều in dấu chân của ông. Rất nhiều học trò của ông về sau trở thành những nghệ nhân, nhạc sư nổi tiếng. Câu lạc bộ đờn ca tài tử quận 8, Tp. Hồ Chí Minh có một thống kê khá đầy đủ như sau: “Tại Đa Kao ông (Nguyễn Quang Đại) đã đào tạo các nhạc sư lừng danh như Sáu Thới (thầy của giáo Thinh), Tư Nghi, Năm Cần, Cao Huỳnh Cư, Cao Huỳnh Diêu, Cao Huỳnh Sang, Bảy Nhỏ… Tại Cần Đước, Cần Giuộc của Long An, ông đã đào tạo được các nhạc sĩ tài ba như nhạc sư Láo, nhạc sư Thời, Hai Tò Le, Sáu Thoàng, Chín Chiêu, Năm Tịnh, cô Sáu Giỏi, cô Bảy Lung, ông Xã Năm, Hai Bầu, Năm Khiết, Năm Xem (ông ngoại cố nhạc sĩ Hai Biểu), Ba Đồng, Mười Hai Dương, Năm Quýnh. Ở Đồng Nai ông cũng có môn đệ như Văn Kiên (kèn), Võ Phải (trống) lừng danh trong giới nhạc lễ. Ở Sông Bé có sư Dung (thầy dạy đờn tỳ bà cho ông Giáo Thinh), Út Lăng, Út Búng. Ở Bến Tre, những nghệ nhân cũng là truyền nhân đời thứ ba của ông Nguyễn Quang Đại, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những môn đệ cũng đã từng học lại các môn đệ của ông. Từ các môn đệ của ông, thế hệ nghệ nhân nối tiếp ra lò như Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Bảy Quế, Năm Giai, Mười Lăng, Tư Bi, Út Nghiêm, Hai Khá, Tám Nhứt, Tư Tụi, Ba Lựa, Văn Vĩ… tạo ra phong trào yêu thích nhạc ta khắp miền đất Nam Bộ”.
Trong giới nghệ nhân, nghệ sĩ đờn ca tài tử Nam Bộ xem Nguyễn Quang Đại là bậc kỳ tài trên nhiều lãnh vực như: nhạc thính phòng cung đình Huế; nhạc lễ trong quan, hôn, tang, tế; nhạc sân khấu hát bội và đờn ca tài tử Nam Bộ. Không chỉ truyền dạy ngón đờn mà ông còn sáng tác nhiều bài bản như bộ “Ngũ Châu miền Đông”, “Tám bản ngự” để nghinh đón vua Thành Thái, vị vua yêu nước vô Nam ngày 4/12/1897. Tám bài ấy gồm Đường Thái Tôn, Chiêu Quân, Vọng phu, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Bắc man tấn cống, Ái tử kê (miền Đông), và Quả phụ hàm oan. Ông đã hệ thống hơi điệu tài tử thành bốn điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán (20 bài bản tổ). Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nam Bộ cho hay, đến nay có trên 100 bài bản gồm bốn điệu thức nói trên nhưng gút lại chỉ có 20 bài gọi là bài tổ của cổ nhạc miền Nam:
- 1- Sáu bản Bắc: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán chấn, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản.
- 2- Ba bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung (còn gọi là Nam đảo).
- 3- Bốn bài Oán: Tứ đại, Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam.
- 4- Bảy bài lớn (thất chánh): Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.
“Với 20 bản này, người ta lại chia ra làm bốn loại. Tại sao lại chia ra làm bốn loại? Là vì ngày xưa, cổ nhân mượn bốn mùa để làm thời; chọn tiết điệu từng bài bản để phân biệt. Theo đó, “Sáu bài Bắc” tiết điệu vui tươi, thuộc về Xuân nhạc. “Bảy bài lớn” tiết điệu tức tưởi như uất hận, như bứt rứt nóng nảy nên gọi là Hạ nhạc. “Ba bài Nam” tiết điệu có bài thì thơ thới, có bài lại trầm buồn, có bài lại hăng say, trầm bỗng, tượng trưng cho mùa thu nên gọi là Thu nhạc. Và, đến “Bốn bài Oán” tiết điệu buồn thảm, thê thiết, lâm ly nên gọi là Đông nhạc. Từ điệu Bắc và điệu Nam vốn có từ lâu, âm nhạc Nam Bộ lại có thêm điệu Oán. Ngoài bốn bài Oán kể trên, còn rất nhiều bản Oán khác ra đời sau đó mà bản “Dạ cổ hoài lang” rồi đến “Vọng cổ” đều mang điệu thức Oán. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nam Bộ cho rằng, bốn bài Oán gắn liền với 100 năm Pháp thuộc, nói lên bao nỗi khổ đau, cơ cực của nhân dân Việt Nam. Nhiều người cho rằng, chính nhạc sư Nguyễn Quang Đại là người sáng tạo ra điệu Oán”. Bài “Tứ đại oán” là hậu thân của “Tứ đại cảnh” miền Trung do ông biến cải thành một bản nhạc tiêu biểu của hơi Oán. Nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan khẳng định một cách dứt khoát: “Nếu có người đặt câu hỏi: Nhạc tài tử Nam Bộ từ đâu mà có? Chúng ta có thể trả lời ngay rằng: Nhạc lễ miền Nam được chấn chỉnh từ nhạc cung đình Huế. Nhạc tài tử Nam Bộ xuất phát từ nhạc lễ. Và cuối cùng ca nhạc sân khấu cải lương hình thành từ phong trào ca nhạc tài tử Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hồi những thập niên đầu của thế kỷ XX”.
Là một nhạc sư đầy tài năng và đức hạnh song khi chết lại ở trong hoàn cảnh nghèo nàn túng quẩn. Quan tài ông do một chiếc xe ngựa chở cá chở vào vùng mã hoang miệt Bình Đông, Rạch Cát, nay thuộc Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh. Tới nay thì mồ xiêu mã lạc. May mắn thay cho hậu thế, trong một tài liệu chép tay, học trò của ông là nhạc sư Nguyễn Văn Thinh (1907 – 1991), cựu giáo sư trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc Viện Thành Phố Hồ Chí Minh) có ghi ngày mất của ông là ngày 19 tháng Giêng, nhưng lại không ghi năm mất.
Trước năm 1975, tên tuổi nhạc sư Nguyễn Quang Đại gần như đã bị quên lãng. Mãi cho đến năm 1994, Câu lạc bộ ca nhạc tài tử và Nhà văn hóa Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh lần đầu tiên đứng ra tổ chức lễ cúng giỗ cho cụ Nguyễn Quang Đại rất long trọng tại Nhà văn hóa Quận 8 vào ngày 19 tháng Giêng, Âm lịch. Đông đảo văn nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ, tài tử ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Đước, Cần Giuộc, Hóc Môn đến dự. Năm 1994, linh vị của cụ được thờ tại Nhà văn hóa Quận 8; kỷ vật duy nhất của cụ còn để lại là chiếc ống tiêu mang từ miền Trung vào. Kỷ vật này cụ trao cho một học trò ruột là ông Lại Văn Thới (thường gọi là nhạc sĩ Sáu Thới). Khi ông Thới qua đời, con ông tiếp tục giữ gìn kỹ lưỡng và sau cùng cháu nội ông sáu Thới là ông Lại Văn Bửu đã trao kỷ vật này lại cho Nhà văn hóa Quận 8 thờ bên cạnh linh vị. Đến năm 1996, linh vị của cụ được sở Văn hóa – Thông tin Long An kết hợp với UBND Quận 8 và UBND hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc rước về thờ vĩnh viễn tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Hơn hai thập niên qua, năm nào đình Vạn Phước cũng tổ chức lễ hội cầu an với lễ giỗ Hậu tổ Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại). Như vậy, phải đến cuối thế kỷ XX, tên tuổi của cụ Nguyễn Quang Đại đã được nhân dân miền Nam tôn vinh là vị Hậu tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; là “Đức nghệ nhân tiên phong nhạc lễ, nhạc tài tử Nguyễn Quang Đại” gọi là uống nước nhớ nguồn, nhắc nhở các thế hệ hôm nay nhớ đến công lao to lớn của cụ và các thế hệ nghệ nhân tiền bối đã có công sáng tạo, lưu truyền nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.