NGHỆ NHÂN CHÂU ĐÌNH KHOÁ VÀ CÂY ĐÀN TỲ BÀ CỔ (1909 – 2014)
Cụ Khoá sinh ra tại thôn Phú Thọ, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình năm 1909, trong gia đình đông anh em, mẹ mất sớm, ngay từ thời ấu thơ lớn lên trong những làn điệu dân ca, đờn ca của khúc hát miền Trung. Ông Châu Đình Khóa mê đàn hát từ nhỏ. Cứ chiều tối để dỗ dành các em ngủ ngoan Khóa lại cất lên giọng hát mà mẹ đã truyền dạy lại, từ đó máu nghệ sỹ đờn ca đã thấm vào da thịt và ăn sâu vào tiềm thức. Với khả năng thiên bẩm cùng chất giọng trầm ấm, bay bổng cộng với sự chỉ dạy của sư phụ là nghệ nhân Nguyễn Quang Tồn, không mấy chốc ông đã nắm hết những ngón đàn hay trong nghề đờn ca, tỳ bà.
Cậu học trò mê đờn ca và cây tỳ bà cổ
Sau năm 1945, đất nước trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình nào cũng lo chạy loạn tìm cho mình một chỗ nương náu an toàn, không mấy người còn thời gian, tâm trạng cho việc nghe đờn ca tài tử. Theo tiếng gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, ông Khóa cũng ra chiến trường chiến đấu, cây đờn tỳ bà được ông gửi lại cho bà con láng giềng giữ hộ.
Ông khóa kể “Hồi đó do chạy giặc nên cây đàn tỳ bà cổ đã bị ném từ góc xó này cho tới bờ đường, bụi rậm kia, thậm chí nó cũng đã bị người dân dùng làm thớt thái rau. Lúc từ chiến trường trở về, thấy những vết xước khắp cây đàn với những vệt dài cả trước lẫn sau, tôi xót lắm, thấy mình thật có lỗi với nó và thầy giáo Trợ Tồn nên tôi quyết không bao giờ rời xa nó nửa bước”. Cũng kể từ đó, cây đàn tỳ bà đã theo ông trải dài dặm non sông đất nước, hết chiến trường Thừa Thiên Huế lại về Quảng Trị, Quảng Bình ác liệt. Giữa bom đạn ông và cây đàn như người bạn xông pha ngoài chiến tuyến.
Cứ sau mỗi trận đánh, ông Khóa lại dùng cây tỳ bà cổ với mu bàn tay khẩy nhẹ cất lên tiếng đàn lúc ai oán, bi thương lúc lại động viên tinh thần đồng đội, phục vụ văn nghệ cho bộ đội.
Tỳ bà Huế có tất cả 4 dây và 10 phím dài khoảng 1 mét ̣tùy loại. 4 dây đàn được nối kết với các đầu đàn theo những nét riêng đặc biệt, gắn với cổ ngựa ở cổ đàn rồi xuôi thẳng về phía trên, được làm trông giống với mình con chuồn chuồn dang cánh. Cây đàn tỳ bà cổ có đủ 7 âm tương đương với 7 nốt nhạc, mỗi phím đàn có âm sắc khác nhau, chính điều đó đã tạo nên những nốt nhạc khác nhau.
Bí quyết trong nghề của ông chỉ vẻn vẹn nằm trong chữ “Tâm” và “Nhẫn”, đánh đàn bằng tâm, bằng con tim, bằng tấm lòng, bằng nỗi niềm để bộc phá hết những suy tư. Nhẫn để nại, càng nhẫn bao nhiêu tiếng đàn càng hay bấy nhiêu. “Giữ cả 2 cái đó trong tiếng đàn thì càng phát huy hết được công năng của cây tỳ bà”, cụ Khóa tâm sự.
“Mong các cháu giữ lấy cây tỳ bà…”
Năm 2012, khi đã tròn 101 tuổi, cụ Châu Đình Khóa đã già lắm rồi, mắt nheo mờ, râu trắng bạc, song niềm đam mê đờn ca vẫn chưa bao giờ tắt. “Cả đời tui cố học, cố sáng tác, cố phát triển nghiệp đờn ca đến bây giờ cũng vì cái tâm, lương tâm nghề nghiệp nó không cho tôi rũ bỏ được, phải gắn lấy nó, yêu lấy nghề, giữ lấy cái nếp, cái nền, từng nốt nhạc, từng khúc ca để hát, để gảy lưu truyền cho hậu thế”, cụ tâm sự.
Cả cuộc đời gắn với cây đàn tỳ bà, cụ đã truyền dạy lại cho 4 người học trò những ngón đàn hay nhất trong nghề, mong để họ phát huy hết được tiềm năng của nó. Buồn thay, cả 4 người học trò này đều đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ.
Những lúc rảnh rỗi, an nhàn tuổi già, cụ lại ôm cây đờn tỳ bà, nhẹ nhàng nhấp từng nốt, bấm từng dây đàn gảy cho con cháu trong nhà nghe, mong nó yêu lấy cái nghề đờn ca mà giữ lại, để cụ có truyền nhân nối dõi.
Cụ vẫn thường truyền dạy cho những đờn ca tài tử ở Huế những làn điệu tỳ bà cổ độc nhất thiên hạ, miên man trong tiếng đàn, đượm chất trữ tình của Bến Hải, Hương Giang, Sông Hương, Núi Ngự, của Huế mộng, Huế thơ xuyến xao lòng người. Song có mấy người nắm được cái hồn trong tiếng đàn tỳ bà cổ, như cụ Khóa!
Tiến sĩ Châu Thị Hải (con gái của cụ) kể: “Lúc đó tôi còn nhỏ nhưng giờ vẫn nhớ rất kỹ hình ảnh ông vai mang ba lô, tay thì cầm rựa, tay kia cầm cây đàn đi tuyên truyền cách mạng và định cư ở các vùng sâu vùng xa. Ở đâu có dấu chân ông là ở đó có tiếng đàn”.
Câu chuyện về ông già mang cây đàn tỳ bà dạy hát dân ca không còn là lạ lẫm với người dân ở vùng Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, chỉ đơn giản là vậy nhưng chính tiếng hát, tiếng đàn của ông đã giúp các thế hệ sau nhận thức cái hay, cái đẹp trong các làn điệu dân ca quê hương
Cụ Khóa cho biết, sợ bị thất truyền ngón đàn chính là niềm trăn trở lớn nhất của cụ.
Những năm ra Hà Nội sống cùng con cháu, cụ đã tham gia truyền dạy cho sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Thế nhưng cũng không nhiều người học hết. Đã có một sáng kiến khác đó là đưa ca sĩ và đàn đến nhà để cụ dạy rồi thu vào băng âm làm tài liệu học tập, với cách này cụ hy vọng tiếng đàn của mình sẽ không bị mai một theo thời gian…
Cụ Châu Đình Khóa qua đời ngày 14/11/ 2014, hưởng thọ đến 105 tuổi.