Nhạc sư Nguyễn Quang Tồn
NHẠC SƯ NGUYỄN QUANG TỒN
(?-?)
Huế, năm Gia Long thứ nhất, lúc bấy giờ khắp nội ngoại kinh thành, ba miền Bắc Trung Nam không ai không biết tới cây đờn ca tài tử nổi danh như cồn Trợ Tồn.
Trợ Tồn tên thật là Nguyễn Quang Tồn, ông vốn là một giám thị của trường Quốc Học Huế, quê ở Tô Đà, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Là người cực kỳ mê đờn ca và cực kỳ giỏi đờn nên hễ có nơi nào có đờn hay là nơi đó có mặt ông. Đi khắp đất nước cuối cùng ông đã tìm cho mình được cây đờn “không thể chê vào đâu được”, đó chính là cây đờn tỳ bà cổ, báu vật của gia đình ngự sự Lưu Đức Xứng.
Sau khi ngự sử qua đời, cây đờn được gia nhân trong nhà nâng niu hết mực, đem lên bàn thờ cúng viếng, cây đờn tỳ bà nằm im lìm, bất động như đang chờ người tới rước. Nghe tiếng cây đờn tỳ bà cổ, không ngại gian khó, Trợ Tồn thắp lễ kính dâng xin gia đình ngự sử được một lần nâng niu khẽ cất tiếng nhạc, gảy lên những nốt lưu truyền tới hậu thế. Dưới đôi bàn tay thần thánh của ông, tiếng đờn tỳ bà cổ như trót bỏ hết bao nỗi ưu tư trong lòng, ngân vang khiến cho lòng người mê muội, chỉ muốn nghe mà không muốn rời. Từ đó cây đờn gắn bó với thầy Tồn như một vật bất ly thân.
Chiến tranh, loạn lạc, người xô, kẻ chạy, Bắc Trung Nam đâu đâu cũng chết chóc, tranh giành, bóc lột, áp bức, sau khi bị đuổi khỏi trường Quốc Học Huế, vì chống chính quyền, tham gia phong trào yêu nước, Trợ Tồn cùng với vợ con, gia đình lưu lạc tận Quảng Bình, cuộc sống mưu sinh khổ cực, miếng cơm manh áo đè nặng lên đôi vai. Nhưng ông vẫn không quên dành thời gian cho việc sáng tạo, tìm ra những “bí kíp” mới để có thể phát huy tối đa hiệu quả của cây đờn tỳ bà cổ.
Những vở kịch thấm đượm tinh thần yêu nước, cổ vũ cho phong trào cách mạng của quần chúng, chống bọn Pháp xâm lược, chống triều đình thối nát… được ông cất lên từ cây đàn cổ. Trong đám học trò nghèo ngày đó ở trường làng ông dạy, ông đặc biệt chú ý tới một cậu học trò nhỏ người, tính nết hiền hòa, nho nhã, đôi bàn tay cực kỳ mềm mại, linh hoạt với một niềm đam mê nhạc cụ tài tử đến độ si mê điên dại, Châu Đình Khóa.
Duyên trời như đã định, Châu Đình Khóa không ai khác chính là cháu nội của quan thượng thư bộ lễ Châu Đình Kế, người bạn tri kỉ của ngự sử Lưu Đức Xứng – chủ nhân đầu tiên của cây tỳ bà cổ.
Những “món” ngon, kỹ thuật trong nghề, bí kíp được ông Trợ Tồn gửi gắm, truyền dạy cho Châu Đình Khóa với bao tâm huyết gửi gắm mong cậu có thể cùng với cây tỳ bà bộc lộ hết sở trường, cất lên những làn điệu từ đôi bàn tay tài tình.
(Nếu bạn đọc có thông tin về cụ Trợ Tồn và có lòng góp sức với dự án này, vui lòng liên hệ tôi qua: tyba.vn@gmail.com . Xin chân thành cảm ơn!)