NHẠC SƯ NGUYỄN HỮU BA (1914-1997)
Nguyễn Hữu Ba (1914-1997), là nhạc sĩ tân nhạc nhà nghiên cứu, nhạc sư cổ nhạc Việt Nam, nguyên Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Hội âm nhạc TP.Hồ Chí Minh. Ông là người góp phần chấn hưng, bảo tồn, truyến bá, phát huy âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Nguyễn Hữu Ba sinh tại làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và mất năm 1997 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi. Tuy sinh ra tại Quảng Trị nhưng suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với cố đô Huế.
Năm lên 8 tuổi ông bắt đầu học đàn. Năm 16 tuổi ông đã hòa nhạc cổ thu vào đĩa Beka của Đức.
Năm 1932 ông áp dụng ký âm pháp Tây phương vào cổ nhạc Việt Nam ở Huế. Công trình của ông rất được nhiều người tán thưởng. Năm 1938 ông đậu thủ khoa đàn nhị. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông tham gia cách mạng tại Huế,, tổ chức bố trí vào công tác ở Đoàn Văn hoá Xây dựng thuộc Thành uỷ Huế, hoạt động yêu nước cùng với giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, bác sĩ Thân Trọng Phước… và nhiều lần bị địch bắt giam. Năm 1949, tại Huế ông sáng lập Tỳ Bà Trang, sau đổi là Tỳ Bà Viện nhằm chấn hưng và cải tổ nền âm nhạc cổ truyền. Ông được triều đình Huế tặng thưởng huy chương Long Bội Tinh và vinh tặng chức Hàn lâm viện Đãi chiếu. Năm 1956, ông bị giam ở lao Thừa Phủ vì chống lại ý kiến của Ngô Đình Cẩn. Năm 1956, ông vào Sài Gòn dạy tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, làm khoa trưởng lý thuyết các trường đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, Huế. Năm 1960, ông thành lập thêm ở Sài Gòn một Viện Tỳ bà thứ hai và Trung tâm Phục hưng quốc nhạc Việt Nam. Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (12/1960), ông sang Pháp vận động trí thức Việt Kiều và làm đại diện cho Mặt trận. Năm 1964, cùng với Giáo sư Trần Văn Khê, ông đã làm hai dĩa nhạc Việt Nam cho UNESCO và đoạt giải thưởng đặc hạng. Sau biến cố Tết Mậu Thân (1968) Viện Tỳ Bà bị tàn phá, gia đình ông dời vào Sài Gòn. Năm 1970, ông trở lại Huế làm Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, đến 1972. Năm 1970 ông hướng dẫn đoàn nghệ thuật âm nhạc cổ truyền biểu diễn thành công tại Osaka (Nhật Bản) và được tặng Huân chương văn hoá Bội tinh hạng nhất.
Sau năm 1975 về công tác ở Phân viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh và năm 1984 được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú (ngành ca Huế) đợt đầu tiên trong số 189 nghệ sĩ, nghệ nhân trong cả nước. Ông còn là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP.Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình ông thành lập một cơ sở nhỏ chuyên sản xuất các loại đàn cổ rất tinh vi ở quận Phú Nhuận, đồng thời ông cùng người con gái lớn là nhạc sĩ Tuệ Quang mở lớp dạy đàn tranh.
Năm 1990 ông được tặng Huân chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, năm 1997 ông được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Tên ông đặt cho một đường phố tại Huế.