Lịch sử du nhập và phát triển
Đàn Tỳ Bà du nhập vào nước ta từ thế kỷ XI được dùng trong các ban nhạc thời Lý (Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, dưới thời Hậu Lê, có mặt trong các ban nhạc Đường Hạ Chi Nhạc, Đồng Văn Nhã Nhạc (thế kỷ XV),… Trong lịch sử, đàn Tỳ Bà còn có tên là Tứ Huyền Cầm (theo Sách Nhạc Khí Việt Nam, tác giả: GS. Lê Thương).
Tỳ bà lần đầu tiên được nêu danh trong lịch sử Việt Nam, khi Lê Tắc ghi trong An Nam chí lược tên dàn tiểu nhạc dùng ngoài cung đình nhà Trần. Đàn tỳ bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn PiPa, vốn từ Ba Tư dưới dạng đàn Barbat và Qanbus theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc.
Tỳ bà từ Ba Tư đã xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa (琵琶), theo một số ghi chép là khoảng hơn 2000 năm lịch sử, đàn Tỳ bà du nhập theo con đường tơ lụa đến các nước, qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa khác nhau tuỳ theo từng vùng hoặc từng quốc gia: Nhật Bản với tên gọi Biwa, ở Triều Tiên là Bipa,…
Theo GS.TS. Trần Văn Khê (2000), Âm nhạc dân tộc, Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh, cái tên “Pipa/Tỳ bà” trong tiếng Trung Quốc do hai chữ “tỳ” (Pi/琵) và “bà” (Pa/琶) tạo thành. Hai chữ này là các phương pháp đánh đàn của người Trung Quốc cổ – “pi” là dùng tay phải gẩy dây đàn xuống, và “pa” là gẩy lên. Và vì vậy mà thuật ngữ “Pipa” thường được dùng trong tiếng Trung để miêu tả hai phương pháp gẩy đàn khác nhau
Cũng theo GS.TS. Trần Văn Khê, các hình khắc trên bệ đá kê chân cột chùa Vạn Phúc, làng Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh, thể hiện 10 nhạc công sử dụng 10 nhạc khí như: phách, hồ-gáo, sáo ngang, đàn cầm, khèn, tỳ bà, tiêu, đàn nguyệt 3 dây, trống thắt eo. Vậy, đàn Tỳ bà đã xuất hiện từ thời Lý (thế kỉ XI).
Chạm khắc dàn nhạc tại chân cột chùa Vạn Phúc, Phật Tích – Bắc Ninh
Suốt thời nhà Trần, Tỳ Bà chỉ góp mặt trong dàn Tiểu nhạc dùng trong dân gian.
Đời nhà Lê, khi Lương Đăng quy định nhạc cung đình theo mẫu nhà Minh, Tỳ Bà có mặt trong dàn Đường Hạ Chi Nhạc. Nhưng quy định của Lương Đăng không được ai tán thành cả. Nguyễn Trãi đã dâng biểu để tâu với vua vì sao ông đã từ chức không ở trong Ban lo việc quy định Nhạc Triều Đình, nêu những cái sai của Lương Đăng. Những đại thần am hiểu âm nhạc như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, đều không tán thành những qui chế do Lương Đăng bày ra. Vì vậy Tỳ Bà ở trong dàn Đường Hạ Chi Nhạc nhưng không được xuất hiện chính thức.
Nhưng đến đời Hồng Đức (1470-1497), ba vị đại thần nói trên chế ra hai đội Đồng Văn và Nhã Nhạc để đàn và hát trong cung đình. Đàn Tỳ Bà và đàn Tranh đều có trong hai đội ấy. Nhưng các Vị Đại thần không muốn giữ tên Tranh hay Tỳ Bà là tên Trung Hoa, nên đặt cho Tỳ Bà tên Tứ Huyền Cầm (đàn 4 dây) còn đàn Tranh lúc ấy có 15 dây mang tên là Thập Ngũ Huyền Cầm.
Sau đó, có một sự thay đổi rất lớn từ đời Quang Hưng (1578) hai đội Đồng Văn, Nhã Nhạc chỉ còn được dùng trong các lễ lớn như Tế Giao, Tế Miếu, Đại triều. Trong các dịp khác, các đội Đồng Văn, Nhã Nhạc bị đội Giáo Phường trong dân gian thay thế. Tỳ Bà bị bỏ quên trong khi đàn Tranh được sung vào Đội Giáo Phường, góp mặt với đàn Đáy, cây phách dài (tục gọi là Trường cùng – làm bằng cây tre dài 3,4 thước, do một lão nghệ nhân gõ để giữ nhịp), có Trống Yêu Cổ, có loại địch quản mà tên gọi thông thường là Quyển Thúy. Có đào nương vừa ca vừa gõ Phách có cả Sênh Tiền. Khi đàn trong cung điện gọi là đi hát Cửa Quyền (tiền thân của Ca Trù) thì đội Giáo Phường có rất nhiều nhạc công đàn Cầm, tức là loại đàn dây, trong đó có đàn Tranh 15 dây. Và còn nhiều Trống to, Trống nhỏ, Ống Địch, Hải Loa…
Cuối đời nhà Lê, có một thay đổi lớn: đàn Tranh không còn có mặt trong dàn nhạc triều đình mà thay bằng Tỳ Bà góp mặt với đàn Nguyệt (lúc đó tên là đàn Song Vận), đàn Tam, đàn Nhị, có hai ống Sáo, một Trống Bản, một Tam Âm La và một Sênh Tiền.
Sau chiến thắng Kỷ Dậu, Vua Quang Trung gửi một phái đoàn sứ giả sang chầu Vua Càn Long. Vua nhà Thanh phong cho Vua Quang Trung tước An Nam Quốc Vương, người Trung Quốc gọi dàn nhạc đi theo là An Nam Quốc Nhạc. Khâm Định Đại Thanh Hội Điển Sự Lệ ghi lại nhiều chi tiết về 9 loại nhạc nước ngoài có mặt tại triều đình nhà Thanh gọi là Cửu Tấu.
Nguyễn Ánh tức vị Hoàng Đế năm 1802 lấy niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam, từ năm 1802 người Trung Hoa đổi tên An Nam Quốc Nhạc lại thành Việt Nam Quốc Nhạc. Nhà Nguyễn chấn chỉnh nhạc cung đình. Lập Dàn Đại Nhạc gồm Kèn, Trống là chính. Và Dàn Nhã Nhạc cũng gọi là Tiểu Nhạc hay Ti Trúc Tế Nhạc, vì dàn nhạc gồm những nhạc khí mắc dây tơ và cây sáo trúc. Tỳ Bà có mặt trong dàn nhạc cung đình còn đàn Tranh lại được trọng dụng trong dân gian và trở thành một nhạc khí quan trọng của nhạc thính phòng. Đàn Tranh, đàn Nguyệt, đàn Nhị, đàn Tam và đàn Tỳ Bà trở thành ban Ngũ Tuyệt của ca nhạc thính phòng Huế (tiền thân của Ca Huế).
Từ giai đoạn Pháp thuộc đến Cách mạng tháng tám năm 1945, đàn Tỳ bà được bảo tồn, lưu truyền và phát triển trong dân gian.
Từ năm 1956, sau khi các trường âm nhạc được thành lập, đàn Tỳ bà được đưa vào giảng dạy, tiếp thu thêm các kỹ thuật diễn tấu, bài bản âm nhạc nước ngoài, ký âm phương Tây.
Có khoảng thời gian, đàn Tỳ bà gần như mất hút, hiếm khi ta thấy đàn Tỳ bà xuất hiện, khiến nhiều người mộ điệu cảm thấy lo ngại. Theo tác giả Thế Bảo (2017), cuốn Lịch sử Âm nhạc Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hồ Chí Minh: “Đàn Tỳ bà, một trong những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam được sử dụng trong các loại hình âm nhạc như Nhã nhạc cung đình Huế, nhạc Chèo, nhạc Cải lương…,nhưng theo thời gian nhạc cụ này ngày càng vắng bóng và không còn phổ biến như những nhạc cụ khác như đàn Bầu, đàn Tranh, đàn Nhị, đàn Nguyệt”
Hiện nay, đàn Tỳ bà đã trở nên quen thuộc hơn, gần gũi hơn sau những nỗ lực lan toả của giới chuyên môn. Đàn tỳ bà có cả trong âm nhạc truyền thống, và cũng được dùng để biễu diễn những bài nhạc đương đại.