Cấu tạo đàn tỳ bà
Cấu trúc đàn Tỳ bà thể hiện tam tài, tứ quý và ngũ hành. Đàn tỳ bà có chiều dài 3 thước 5 tấc (khoảng 116cm), 3 thước tượng trưng cho tam tài (Thiên, Địa, Nhân), 5 tấc thể hiện ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), 4 sợi dây thể hiện cho tứ quý (bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông).
Ngày trước thường dùng đàn Tỳ bà ngũ cung, phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau, dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, hoặc sử dụng gân bò. Ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon hoặc thép, đàn hiện nay có phần cần đàn chỉ gắn hàng phím tre, không gắn 4 miếng ngà voi nữa.
Đàn Tỳ bà được chế tác bằng gỗ ngô đồng ở mặt trước, mặt sau là gỗ gụ, đàn hương,… Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn.
Mặt trước và mặt bên của đàn tỳ bà ngày nay. (Ảnh: Đàn Tạ Thâm)
Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, hình con dơi, tượng trưng cho chữ Phúc. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.
Đàn Tỳ Bà có 4 dây, ngày xưa chỉ có 8 hàng phím. Còn thời nay, đàn có thể có trên 16 hàng phím để phù hợp hơn với nhạc đương đại.
Đàn Tỳ bà 19 hàng phím (Ảnh: Đàn Đức Ngân)
HỆ THỐNG DÂY
Đàn Tỳ Bà có bốn dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đô – Fa – Sol – Đô1 hoặc Sol -Đô1 – Rê1 – Sol1.