Nhạc sư Bửu Lộc
NHẠC SƯ BỬU LỘC
(1911 – 1986)
Bửu Lộc là con trai của công tử Nguyễn Phước Ưng Thông và bà Nguyễn Thị Tần, đệ tam chánh hệ, phòng Thái Thạnh quận vương (hoàng tử thứ 3 của vua Thiệu Trị).
Ông sinh năm Tân Hợi (11/9/1911) tại làng An Cựu. Thân phụ của ông là một trang phong lưu công tử nức tiếng với ba cây đàn: nguyệt, nhị và bầu; thân mẫu là người có giọng ca rất điêu luyện, sang quý. Trưởng thành, Bửu Lộc theo học đàn nguyệt với thầy Khóa Hài, đàn tỳ với thầy Trợ Tồn, và đàn tranh với ông Tôn Thất Hường. Nhờ vậy mà ông chơi nhuần nhuyễn cả Tranh, Tỳ bà, Nhị, Nguyệt. Sau khi triều Nguyễn cáo chung, Bửu Lộc cùng các ông Vĩnh Trân, Vĩnh Phan, nghè Toản được Hải Triều-Nguyễn Khoa Văn đưa ra Hà Nội tham dự Hội thi Văn nghệ Dân tộc, kết quả là Bửu Lộc được trao giải Nhất về đàn tranh.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bửu Lộc cùng gia đình di chuyển vào Nam sinh sống. Từ năm 1957-1963, ông được mời giảng dạy đàn tranh và đàn nguyệt tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Ông cùng với mệ Vĩnh Trân (con vua Thành Thái), Vĩnh Phan (con Tuyên Hóa quận vương), nhạc sĩ Gia Cẩm cùng các ca nương Bích Liễu, Thu Tâm, Bích Vân, Tuyết Hương thành lập ban ca Huế “Hương Bình”. Sau ngày nước nhà thống nhất, nhạc sư Bửu Lộc vẫn cộng tác với các chương trình văn nghệ của Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Ông thường được mời vào ban giám khảo của các cuộc thi về bộ môn âm nhạc truyền thống.
Tánh tình nhạc sư Bửu Lộc rất đôn hậu, khiêm cung. Đời sống thường nhật của ông thanh bạch, gần gũi, luôn dí dỏm khôi hài với mọi người nên được giới văn nghệ sĩ cũng như nhiều thế hệ môn sinh thương kính. Ngay giai đoạn khó khăn (1975-1985), ngôi nhà nhỏ của Bửu Lộc là chốn hẹn hò, họp mặt của tao nhân mặc khách, không ngày nào vắng đàn ca, ngâm thơ. Nhạc sư Bửu Lộc còn có biệt tài sáng tác các làn điệu ca Huế xuất thần, tao nhã hợp tình hợp cảnh, hiện vẫn còn được ghi chép
Từ năm 1975 khi đất nước thống nhất, nghệ sĩ Bửu Lộc được mời đệm đàn cho các chương trình Thơ của Đài Tiếng Nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh; được mời tham gia vào các Ban Giám Khảo trong các kỳ thi tốt nghịêp của Trường Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và thường dự nhiều sinh hoạt âm nhạc ca Huế thính phòng với các nhạc hữu, nghệ sĩ từ Huế vào giao lưu văn hoá nghệ thuật.
Năm 1985, nghệ sĩ Bửu Lộc được Tỉnh ủy, UBND Thừa Thiên Huế mời ra Huế dự lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng Thừa Thiên Huế cùng với các văn nghệ sĩ lão thành, tên tuổi khác như nhà thơ Bảo Định Giang, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhà thơ Lương An, nhà văn Trần Công Tấn …
Lễ giỗ Tổ Âm nhạc tiếp theo, ngày 16 tháng 10 năm Bính Dần (1986) cũng được tổ chức tại nhà nhạc sư Bửu Lộc (khác với những năm trước thường làm lễ tại nhà nhạc sư Nguyễn Hữu Ba). Bạn hữu, môn sinh đến tham dự rất đông, mọi người đều vui mừng khi còn gặp được ông trang trọng trong bộ quốc phục ngồi chào đón thăm hỏi rất chân tình, thân thiết… Ai ngờ nhân duyên đã đến hồi tan rã, chỉ hơn mười ngày sau, người nghệ sĩ bậc thầy của bộ môn nghệ thuật đàn ca Huế đã thanh thản xả bỏ thân phàm để hương hồn theo gió bay về quê cha đất tổ tận miền Hương Ngự.