Lời Ngỏ
Tôi không sinh ra trong một gia đình có truyền thống Âm nhạc dân tộc, tuy nhiên, như một ân duyên, tôi biết và học đến đàn Tỳ Bà Việt Nam.
Qua khoảng thời gian 4 năm học Trung Cấp tại Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy thật khó để tìm thông tin về cây đàn, từ đó tôi ấp ủ làm dự án này.
Điều tôi mong muốn khi thực hiện trang web tybavietnam.vn là thu thập tất cả thông tin liên quan đến đàn Tỳ Bà Việt Nam, đưa thông tin nhiều nhất có thể đến các bạn tìm đọc. Tôi chưa phải nhà nghiên cứu, tôi là người thu thập!
Khi cả thế giới có chung một xu hướng phát triển, thì văn hoá chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Âm nhạc truyền thống Việt Nam giúp chúng ta có một trái tim giàu lòng trắc ẩn, giàu tình yêu thương, suy tư sâu sắc, và đàn Tỳ bà chính là một trong những công cụ để truyền tải nó.
Tôi xin tri ân đến người cô của tôi – GV-Th.S Nghiêm Thu. Cô là người dạy tôi những ngón đàn đầu tiên, là người tâm huyết với cây đàn và gieo cho tôi tình yêu với cây đàn, để tôi thấy mình có phần trách nhiệm với Tỳ Bà Việt Nam.
Ngoài ra, tôi xin tri ân đến Quý Thầy Cô đã yêu thương, trao cho tôi thêm nhiều cảm hứng, nhiều thông tin đáng quý.
Xin cảm ơn gia đình đã ủng hộ, các cộng sự đã giúp đỡ để tôi tạo nên “Tỳ Bà Việt Nam”.
Trang web này thuộc sở hữu của cá nhân tôi, cho mục đích chung. Tôi hi vọng sẽ góp chút ít công sức vào công cuộc bảo vệ giá trị cây đàn Tỳ bà Việt Nam.
Trong lúc thu thập thông tin không thể tránh có những sai sót, mong bạn đọc hi hữu nhắc nhở. Mọi hỗ trợ về thông tin, cũng như bản quyền, vui lòng liên hệ đến: tyba.vn@gmail.com.
Xin chân thành cảm ơn!
Lý Hoàn Trân
Lịch Sử đàn Tỳ Bà
Đàn Tỳ Bà du nhập vào nước ta từ thế kỷ XI được dùng trong các ban nhạc thời Lý (Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, dưới thời Hậu Lê, có mặt trong các ban nhạc Đường Hạ Chi Nhạc, Đồng Văn Nhã Nhạc (thế kỷ XV),… Trong lịch sử, đàn Tỳ Bà còn có tên là Tứ Huyền Cầm (theo Sách Nhạc Khí Việt Nam, tác giả: GS. Lê Thương).
Tỳ bà lần đầu tiên được nêu danh trong lịch sử Việt Nam, khi Lê Tắc ghi trong An Nam chí lược tên dàn tiểu nhạc dùng ngoài cung đình nhà Trần. Đàn tỳ bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn PiPa, vốn từ Ba Tư dưới dạng đàn Barbat và Qanbus theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc.
Tỳ bà từ Ba Tư đã xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa (琵琶), theo một số ghi chép là khoảng hơn 2000 năm lịch sử, đàn Tỳ bà du nhập theo con đường tơ lụa đến các nước, qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa khác nhau tuỳ theo từng vùng hoặc từng quốc gia: Nhật Bản với tên gọi Biwa, ở Triều Tiên là Bipa,…
Theo GS.TS. Trần Văn Khê (2000), Âm nhạc dân tộc, Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh, cái tên “Pipa/Tỳ bà” trong tiếng Trung Quốc do hai chữ “tỳ” (Pi/琵) và “bà” (Pa/琶) tạo thành. Hai chữ này là các phương pháp đánh đàn của người Trung Quốc cổ – “pi” là dùng tay phải gẩy dây đàn xuống, và “pa” là gẩy lên. Và vì vậy mà thuật ngữ “Pipa” thường được dùng trong tiếng Trung để miêu tả hai phương pháp gẩy đàn khác nhau.
Tỳ Bà Việt Nam - Cảm Hứng
Chia Sẻ
Vốn không phải là một người có chuyên môn về âm nhạc nói chung và nhạc cụ dân tộc nói riêng, việc được tìm hiểu thêm về cây đàn Tỳ Bà thông qua trang web này đã mang đến cho tôi một cảm giác thích thú. Tôi đã từng may mắn được thưởng thức trực tiếp âm thanh của cây đàn Tỳ Bà, và nó thực sự gợi lên trong tôi một cảm giác thân thuộc và hoài niệm.
Việc thưởng thức tiếng đàn với tôi không chỉ nằm ở những cảm nhận về mặt âm thanh, mà còn ở việc chứng kiến sự tận tụy và cống hiến của những nhạc sư đằng sau nó. Các câu chuyện về họ đã khiến tôi cảm thấy biết ơn và trân trọng hơn về những nỗ lực để duy trì và phát triển Di sản âm nhạc của Quốc gia.
Lướt nhẹ qua Tỳ Bà Việt Nam, cảm động về tấm lòng yêu Âm nhạc cổ truyền, Lịch sử – Văn hoá truyền thống,.. một cách trong trẻo, nhiệt huyết,..
Cá nhân mình muốn cảm ơn bạn ấy về thông tin vừa cập nhật về đàn Tỳ Bà Việt Nam, woaaaa, hoá ra Tỳ Bà đến từ xứ sở của truyện Nghìn lẻ một đêm!