TỲ BÀ TRONG VĂN HỌC: THƠ “TỲ BÀ TRUYỆN” CỦA NGUYỄN BÍNH.
Đàn Tỳ Bà nhiều lần xuất hiện trong án văn thơ Việt Nam, tuy nhiên, “Tỳ Bà truyện” của Nguyễn Bính là án thơ duy nhất mang tên Tỳ Bà. “Tỳ Bà truyện” thuộc thể thơ lục bát, là thể thơ thuần Việt. Ông học theo lối viết thơ của Nguyễn Du, vậy nên khi đọc “Tỳ Bà truyện”, không ít lần ta thấy được thấp thoáng bóng dáng “Truyện Kiều”.
“..Bỏ quên đây cái thuỷ chung,
Bỏ quên đây một tấm lòng bơ vơ.
Nàng đi trong bóng chiều mờ,
Nàng đi trong tiếng chuông chùa ngân nga.
Nàng đi với chiếc tỳ bà,
Nước non thôi hết ai là tri âm.
Nàng đi từng bước âm thầm,
Đầu xanh tóc ngắn áo chàm màu tang.
Nàng đi hạc nội mây ngàn,
Bóng đêm vùi lấp bóng nàng rồi thôi…”
Truyện thơ Truyện Tỳ bà của Nguyễn Bính lấy cảm hứng và cốt truyện từ “Tỳ bà ký”, một vở tuồng nổi tiếng nhất của Trung Hoa, xuất hiện vào giữa thế kỷ XIV (cuối thời Nguyên, đầu thời Minh).
Từ thời Nam Tống (1127-1279) trong dân gian đã lưu hành câu chuyện Tì bà, phổ biến qua những người kể rong, cùng với các chuyện Tam Quốc Chí, Thủy Hử, v.v.. Chuyện Tỳ bà kể về một thôn nữ trồng hoa, mồ côi, giỏi ngón đàn Tỳ bà, tên là Triệu Ngũ Nương. Nàng lấy chồng học trò nghèo tên Thái Bá Hài (hoặc có khi gọi là Sái Ung), chăm sóc cha mẹ chồng và lo lắng cho chồng ăn học.
Khi Thái Bá Hài thi đỗ Trạng nguyên, y nói dối rằng mình mồ côi cha mẹ và chưa vợ, để được kết duyên với con gái của quan Thái sư họ Ngao. Triệu Ngũ Nương ở nhà chăm lo phụng dưỡng cha mẹ chồng suốt một năm hạn hán, có khi nàng phải ăn cám nhường cơm cho cha mẹ. Sau khi cha mẹ chồng qua đời, nàng ôm đàn Tỳ bà, đi hát dạo trên đường lên kinh đô tìm chồng. Thái Bá Hài nhận ra người vợ cũ tiều tụy trong lớp kẻ hát rong, hối hận và nối lại tình xưa, bù đắp ân nghĩa cũ. Tuy nhiên, Nguyễn Bính không chọn kiểu kết cuộc “có hậu” đó, như trong tuồng “Tỳ bà ký” của Cao Minh. Ông để mặc con thuyền của Thái Bá Giai chìm đắm trong biển phồn hoa đen bạc và ông rẽ lái thuyền của Triệu Ngũ Nương sang hướng đại dương mênh mông vô định.
Hoàn cảnh sáng tác của Truyện Tỳ bà có nhiều điểm đặc biệt. Những năm đầu thập niên bốn mươi của thế kỉ vừa qua, bầu không khí chính trị ngột ngạt trùm khắp nước. Chiến trận của Thế Chiến Hai chưa xảy ra trên đất Việt nhưng người Nhật đã có mặt khắp nơi, lấn lướt chủ quyền của người Pháp. Nhà giam đầy chính trị phạm. Xã hội vật vã với những xung đột giữa lối sống và các giá trị cũ, mới. Phong trào thơ mới đang lên tới cực điểm vận động và nghệ thuật của nó; người ta hầu như không muốn để mắt tới thơ cũ, trong khi ấy, số bài thơ lục bát thành công đếm chưa đầy các ngón của hai bàn tay. Nguyễn Bính lúc đó khoảng 25 tuổi, sống những mùa xuân tha hương với tâm trạng khinh bạc, hoàn cảnh túng thiếu đủ thứ. Vậy mà ông lại có đủ hứng khởi và tĩnh tâm để phỏng theo cốt truyện của một vở tuồng 500 năm trước bên Tàu, viết thành truyện thơ Truyện Tì bà, bằng thể thơ lục bát của dân tộc, và dài tới 1.550 câu. Quả là một hiện tượng lạ lùng.
Về mặt hình thức, chiều dài của Truyện Tì bà không thua kém bao nhiêu so với nhiều truyện thơ nổi tiếng trước đó: Chinh phụ ngâm khúc dài 408 câu; Cung oán ngâm khúc 356 câu; Bích Câu kỳ ngộ 648 câu; Quan Âm Thị Kính 788 câu; Mai Ðình mộng ký 298 câu; Hoa tiên truyện 1.826 câu; Nhị độ mai 2.820 câu; Lục Vân Tiên 2.076 câu; và đặc biệt, Truyện Kiều 3.254 câu.
Bạn đọc muốn sở hữu tư liệu thơ “Tỳ Bà Truyện” của Nguyễn Bính đầy đủ nhất, vui lòng liên hệ chúng tôi.